B’lao Park
Tôi có một giấc mơ kỳ lạ! B’lao Park
Nó kỳ lạ bởi nó rất hiện thực, thực đến mức như thể chạm được đến từng chi tiết, thực đến mức có thể biết được đang ở mốc thời gian nào. Giấc mơ kỳ lạ này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và gần như nó không liên quan gì đến bất kỳ trãi nghiệm nào của tôi trong quá khứ. Đó là giấc mơ lạc vào một không gian xa vắng của B’lao xưa.
Trong giấc mơ đó có bà mẹ người Mạ gùi con đi dọc theo con đường đất đỏ có một chút bụi mờ, một tay cầm bục măng le, một tay cầm một dụng cụ nửa như rựa nửa như phảng gọi là gì thì tôi không biết nhưng nó thực từ hình dáng đến màu rỉ sét … Không rõ bà ta đi ra từ làng hay đi về làng, không rõ hình thù đứa trẻ trên lưng nhưng nét mặt bà thì tôi rõ mồn một. Đến những năm cuối 1990s ta vẫn còn gặp hình ảnh này ở mọi nơi trên 2 cao nguyên Di Linh và Lâm Viên.
Trong giấc mơ đó có một đống lửa ai đó đốt lên giữa đêm rừng Tây Nguyên lành lạnh, một ngôi nhà rông nhỏ thó hiện ra rõ vành vạch dưới ánh sáng của ngọn lửa, xung quanh là những ngôi nhà gỗ cũng nho nhỏ được cất một cách nhịp nhàng nhưng không theo một trật tự nào, hay có một trật tự nào đó mà tôi không thể hiểu được? Cái nhịp điệu đó làm cho những căn nhà gỗ cứ chìm dần, tắt dần từ nơi có ánh sáng rực rỡ của đống lửa giữa sân lan đến nơi bị bóng tối của rừng nuốt chửng. Mỗi lần thức dậy, tôi lại thấy đoạn này của giấc mơ rất rất phi lý vì nhà rông không phải là đặc sản của Cao nguyên Di Linh, nhà rông thì không có nhỏ thó, nó là nơi sinh hoạt chung của làng cơ mà. Nhưng giấc mơ tôi lại chốt thời gian là những năm đầu thế kỷ 20, không gian là B’lao Park Bảo Lộc.
Trong giấc mơ đó có những lời hát rất nhẹ, hát lên lời tình tự của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nàng thơ Dao Ánh được phát ra từ một máy phát nhạc (mà chắc chắn không phải từ cassette) của một quán cà phê đơn sơ được dựng bên một sườn đồi có nhiều thông. Giọng hát cũ kỹ, cũ kỹ như những miếng “ngo” dựng vách của quán. Giọng hát tuyệt đẹp, tuyệt đẹp như màu cột trụ gỗ cà chít dãi dầu theo thời gian của quán. Giọng hát đó được nâng đỡ bởi nền nhạc đệm rất vừa vặn, nhưng sau nhiều lần cố gắng tôi vẫn không thể bóc tách để biết nó được tạo ra bởi nhạc cụ nào, tone nhạc ra sao … Thời gian của chi tiết này là B’lao Park những năm 1960s – 1970s.
Trong giấc mơ đó còn đôi khi xuất hiện những gia đình đi kinh tế mới, những người đàn ông với gương mặt khắc khổ, với chiếc áo bộ đội xanh bạc màu dài tay, với cái quần tà lỏn nhăn nheo cong cuộn cả lên háng, đang đào hố chôn cọc để trồng một thứ cây dây leo gì đó … Những nhân vật khác thì nhạt nhoà nhưng rất thực, người phụ nữ thì đang lúi húi ngập trong khói bếp, 2 đứa nhỏ lấm lem bùn đất thì đang rượt con chó cũng bẩn không kém ngay sau nhà … Giấc mơ nói đó là những năm đầu thập niên 1980s.
…
Những ảo ảnh đó theo tôi mãi đến khi tôi có một cơ hội gặp được những người hữu duyên, đến được nơi hữu duyên … Và cùng quyết định làm một cái gì đó.
B’lao Park, B’lao Park, B’lao Park, … Gợi giấc mơ Bảo Lộc xưa và chưa xưa lắm …